Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

[Giáo dục] DẠY CON DÙNG TIỀN


Cho trẻ nhỏ sử dụng tiền luôn là vấn đề gây tranh cãi giữa hai luồng ý kiến:
  1. KHÔNG CHO: Bởi vì giữa một xã hội nhiều cạm bẫy thì việc sử dụng tiền sớm khó tránh khỏi hệ lụy. Ba mẹ chỉ nên cho con tiền khi nào cần cho việc nào đó cần thiết, hoặc con cần gì ba mẹ mua cho thay vì để con tự ý định đoạt. Như vậy vừa an toàn, vừa dễ dàng kiểm soát con.
  2. CHO: Cứ cho con tiền để có thể chủ động sử dụng khi cần thiết.
Dù theo quan điểm nào thì mục tiêu cuối cùng cũng giúp cho con trẻ thích nghi và sống tốt trong cộng đồng, xã hội. Bởi ba mẹ nào cũng mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho con. Như vậy, để con AN TOÀN HƯỞNG THỤ giá trị đồng tiền hay CHỦ ĐỘNG SỬ DỤNG tiền? Dù đang được định hướng giáo dục theo cách nào nhưng không thể phủ nhận rằng đến một lúc nào đó, trẻ cũng cần tự sử dụng tiền, tự lập trong cuộc sống và tự quản lý chi tiêu. Vậy có chăng nên DẠY CON DÙNG TIỀN? Và DẠY THẾ NÀO? Trong giới hạn bài viết này, tôi xin chia sẻ một số thông tin giúp trẻ nhỏ tiếp xúc với giá trị đồng tiền một cách có ý thức, để trẻ sống có trách nhiệm và tự chủ hơn.

TẠI SAO CẦN CHO CON TIẾP XÚC VỚI TIỀN?

Để có thể lái xe đạp thì con cần 1 cái xe đạp; Để biết quét dọn nhà cửa thì con cần 1 cây chổi; Để biết cách chia sẻ thì con cần được tiếp xúc với bạn bè…. Và để biết dùng tiền thì con cần được tiếp xúc với tiền. Khi cầm tiền trong tay, con sẽ HỌC về GIÁ TRỊ của từng tờ tiền, HỌC cách CHI TIÊU 1 món hàng theo nhu cầu chính đáng, HỌC cách QUẢN LÝ tiền. So với việc ba mẹ âm thầm chi trả mọi thứ và cung cấp vật chất cho con, thì khi con trực tiếp biết về giá trị của những vật chất mua được từ tiền, con sẽ có thái độ QUÝ TRỌNG chúng hơn.
Chỉ có trải nghiệm thực tế với tiền của chính mình thì con mới hiểu được những khái niệm: tiết kiệm tiền, sức lao động, mục tiêu,… – những khái niệm này có thể trừu tượng và khó hiểu khi giải thích bằng lời.
Được định hướng và học cách sử dụng tiền từ nhỏ là cách để con tránh sai phạm ở nguy cơ thấp nhất khi lớn lên. Khi con được quyền tự định đoạt cho số tiền vào mục đích nào đó, con cũng học được kinh nghiệm trước những quyết định sai lầm của mình. Nếu con không thể đi xem phim, dự sinh nhật với bạn bè bởi vì đã tiêu hết tiền của chúng vào những món đồ chơi, áo quần… thì cũng là lúc con cần có nhiều kế hoạch chi tiết hơn để sử dụng số tiền sao cho hợp lý, và biết để dành tiền cho những lúc ngoài dự kiến.

THỜI ĐIỂM CON CÓ THỂ BẮT ĐẦU SỬ DỤNG TIỀN?

Từ 5-6 tuổi, trẻ đã có ý thức mình là một cá nhân độc lập trong gia đình và môi trường xunh quanh. Từ đó, trẻ mong muốn được tham gia vào các hoạt động của gia đình và tập thể. Do đó, từ giai đoạn này ba mẹ có thể tập cho con sử dụng tiền. Hoặc ở một số trẻ khác, ba mẹ lại bắt đầu định hướng khi con 10 tuổi hoặc lớn hơn. Vậy làm sao để nhận ra đâu là thời điểm để dạy con sử dụng tiền? 
Bên cạnh vấn đề tuổi, thời điểm tốt nhất là khi con bắt đầu hiểu TIỀN CÓ THỂ MUA NHỮNG GÌ CHÚNG CẦN. Vì vậy, nếu con có xu hướng “làm lơ” với tiền hoặc lỡ làm mất nó mà không cố gắng tìm lại hay “bỏ ống heo” thì quả thật chưa phải là thời điểm thích hợp. Bạ mẹ hãy chờ cho đến khi bạn nhận ra dấu hiệu con thích tiết kiệm tiền, hoặc bé nghĩ về những đồ vật, những giải trí cá nhân mà có thể cần đến tiền.

CHO CON BAO NHIÊU TIỀN LÀ ĐỦ?

Tùy theo nguồn tài chính gia đình, mức sống hằng ngày theo khu vực và mức sống mà ba mẹ cảm thấy thoải mái có thể cho con. Nhiều gia đình thích sử dụng “công thức cấp tiền” theo lứa tuổi. Cứ tăng thêm một tuổi là số tiền được cấp cũng tăng theo. Con cũng cần được hiểu rằng khi lớn thêm hơn thì có nhiều mục tiêu, nhiều dự định hơn nên tiền tăng theo là để thực hiện những điều đó.
Trong khi có nhiều gia đình cấp tiền hàng tuần, thì gia đình khác cấp tiền 2 tuần 1 lần hoặc cấp theo tháng. Thậm chí ở những vùng nông thôn, thu nhập gia đình chỉ có được khi thu hoạch vụ mùa thì ba mẹ có thể cấp tiền cho con theo mùa thu hoạch lúa, thu hoạch hoa màu…. Có gia đình chỉ cho con 1 số tiền nhất định mỗi năm 1 lần vào 1 dịp đặc biệt nhất định như: Tết, mừng sinh nhật, thành tích cao cuối năm học,…. Điều quan trọng là phải NHẤT QUÁN để ba mẹ chủ động và tạo uy tín trước con. Chính sự QUẢN LÝ và NHẤT QUÁN của ba mẹ sẽ phần nào dạy con cách quản lý tiền. 
Mặt khác, ba mẹ đừng cảm thấy thấy bối rối nếu như một lúc nào đó tài chính của mình không như hoạch định. Thay vào đó, ba mẹ có thể nói chuyện với con để thỏa thuận phương án khác. Điều đó càng làm cho con nhận thấy vị trí xã hội của mình, từ đó ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn. Hơn hết,  trẻ cũng có cơ hội hiểu được sự vất vả, khó khăn để có được đồng tiền, cũng như biết rằng để sử dụng hợp lý thì cần có những sắp xếp, quản lý chi tiêu sao cho phù hợp như ba mẹ mình.

BA MẸ NÊN NÓI GÌ VỚI CON KHI CHO CON TIỀN?

Nếu con muốn sử dụng tiền vào những việc giải trí như: mua đồ chơi, chơi game, ăn quà vặt, … thì ba mẹ đừng lo lắng mà hãy lập một danh sách về các mục CẤM, hoặc danh sách “các rắc rối” tùy theo lứa tuổi và sở thích của con. Bởi tiền cho con thì thuộc quyền sở hữu của con và đôi khi khó kiểm soát. Do đó, ba mẹ cần con có những cam kết ngay từ ban đầu. 
Ba mẹ có thể phân tích rằng con có thể  sử dụng tiền theo ý muốn, miễn là cần cân nhắc thật kỹ về khoản chi có hợp lý hay không, và đừng “gây rắc rối”.
Thí dụ: Nếu con 6 tuổi, thích ăn kẹo thường xuyên thì ba mẹ đặt ra vấn đề “gây rắc rối” cần tránh là “không được làm sâu răng”; 
Nếu con thích chơi game thì ba mẹ hãy yêu cầu “không quá 1 tiếng mỗi ngày”, “không ảnh hưởng việc học”,…. 
Khi bị vi phạm các điều lệ đã “cam kết” ban đầu thì con sẽ bị cắt giảm tiền hoặc cắt việc “cấp tiền” trong một khoảng thời gian nhất định. Đương nhiên, việc cắt giảm hay “ngừng cấp” này cũng có sẵn trong cam kết ban đầu giữa ba mẹ và con trẻ.

DẠY CON TIẾT KIỆM VÀ CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO?

Ba mẹ có thể để con chịu trách nhiệm với số tiền chúng sử dụng bao nhiêu, để chia sẻ và để tiết kiệm. Đó là cách tuyệt vời để đảm bảo con bạn từ những thành công và sai lầm.
Cách khác, ba mẹ có thể gợi ra những giá trị cuộc cuộc sống để con có thể sử dụng tiền vào những giá trị sống đó. Chẳng hạn, ba mẹ có thể gợi cho con để dành mỗi ngày 1 khoản tiền nhất định để một ngày đi làm từ thiện ở nơi mà con muốn. 

Bên cạnh đó, ba mẹ chia tiền tiết kiệm thành 2 loại là: tiền CỐ ĐỊNH và tiền XOAY VÒNG. 
  • Tiền tiết kiệm CỐ ĐỊNH được gửi trực tiếp vào ngân hàng,…. nhằm phục vụ cho những loại kinh phí dài hạn (học đại học, đi nước ngoài, du học….) hoặc mua hay đạt những thứ cần thiết cần số tiền lớn (mua xe, du lịch,…).  Tiền CỐ ĐỊNH này do chính ba mẹ giữ và gửi vào ngân hàng nhưng hãy cứ thẳng thắn chia sẻ để con hiểu sự chuẩn bị của ba mẹ cho tương lai mình, để hiểu mình đang được bố mẹ tiết kiệm dùm cho tương lai. Đấy cũng là cách gián tiếp dạy cho trẻ biết về SỰ CHUẨN BỊ để thự hiện KẾ HOẠCH TƯƠNG LAI.. 
  • Tiền tiết kiệm XOAY VÒNG do con tự giữ và toàn quyền quyết định. Thậm chí, con có thể sẽ tiêu sạch tiền này thì cũng không sao. Đó sẽ là bước đầu học cách tiết kiệm trong sự kiềm chế sự ham muốn những thứ không cần thiết. 

Để khuyến khích con thực hiện quyết định thấu đáo về tiền, hãy cho con 1 con heo đất. Heo đất sẽ giúp con giữ tiền cho những kế hoạch nhỏ hoặc dự phòng cho những việc có thể xảy ra ngoài dự kiến.

CÓ NÊN CHO CON MƯỢN TIỀN?

Ba mẹ nên làm gì khi bất chợt con nhìn thấy món đồ chơi yêu thích trong cửa hàng và nói: “Mẹ, con muốn đồ chơi này, con hứa con sẽ trả lại tiền cho Mẹ sớm khi con về nhà” hoặc “Con sẽ trả lại tiền cho mẹ khi con có tiền lại”.
 Miễn là ba mẹ thấy hài lòng với đồ chơi và giá của nó, việc cho con mượn tiền thời gian ngắn có thể là bài học hay cho trẻ nhưng cần có sự đảm bảo. Trước tiên, ba mẹ đừng đưa đồ chơi cho con cho tới khi nào con trả lại tiền. Nếu về nhà,  con phát hiện ra không đủ tiền trả thì hãy giữ đồ chơi cho tới khi con tiết kiệm đủ tiền để trả. 
Nếu ba mẹ quan sát thấy con có trách nhiệm với tiền của mình và cảm thấy tin tưởng con có thể trả lại tiền đã mượn thì cứ an tâm cho mượn bằng cách “chiếm hữu tài sản”: Con sẽ đưa cho ba mẹ sở hữu 1 món đồ có giá trị tương đương với số tiền con mượn. Và ba mẹ cần đảm bảo rằng món đồ mà con “cầm cố” với ba mẹ không bị hư hỏng và luôn muốn có lại. “Tài sản cầm cố” chỉ hoàn trả khi số tiền được cấp lần sau sẽ trả lại cho ba mẹ như đã hứa và con biết cách thực hiện tốt hơn cam kết trong việc “vay mượn”. 

CÓ NÊN NÓI “KHÔNG” KHI CON VAY MƯỢN?

Ba mẹ hoàn toàn có thể nói “KHÔNG”, đặc biệt nếu như con hay vay mượn thường xuyên. Con có thể sẽ thất vọng khi bỏ lỡ 1 bộ phim, một ngày sinh nhật, 1 chầu đi ăn kem, 1 món đồ chơi, 1 cái đầm đẹp,…. nhưng con sẽ học được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền cho những ngày ngoài dự tính như thế. Trong hoàn cảnh này, con sẽ hiểu “con heo đất” có vai trò quan trọng như thế nào.

CÓ NÊN TRẢ TIỀN KHI CON PHỤ VIỆC NHÀ?

Nhiều ba mẹ trả tiền cho con khi yêu cầu con làm việc nào đó như: quét nhà, rửa chén,….. thì đó là điều KHÔNG NÊN. Khi trả tiền cho con để làm việc nhà tức là ba mẹ đã vô tình khiến cho con quên đi trách nhiệm của mình trong một gia đình. 
Con cần học về TRÁCH NHIỆM khi là 1 thành viên trong gia đình, trong 1 tập thể.  Do vậy, ba mẹ tuyệt đối KHÔNG THƯƠNG LƯỢNG. Dù cho con có than phiền với đống việc nhà thì ba mẹ hãy luôn nhớ: CỘNG TÁC, TRÁCH NHIỆM là bài học ý nghĩa căn bản nhất mà con bạn cần phải học.

Việc cho con sử dụng tiền thật sự cần sự định hướng và quan tâm nhất định của ba mẹ. Bởi nếu không được dạy đúng cách thì việc tiếp xúc với tiền, cũng như những vật chất xung quanh sẽ đưa trẻ vào tình trạng ỷ lại hoặc chi tiêu vào những thú vui, ham muốn không cần thiết. 
Để đồng tiền trở nên ý nghĩa trong cuộc sống của con thì ba mẹ cần nhớ các mục đích sau để hướng con vào: 
  • Sử dụng tiền để thực hiện KẾ HOẠCH/ MỤC TIÊU
  • Sử dụng tiền để TỰ CHỦ hơn trong cuộc sống
  • Sử dụng tiền để CHIA SẺ làm đẹp giá trị SỐNG YÊU THƯƠNG.


HẠ GIANG
Chuyên viên phát triển Kỹ năng sống 
Viện Tâm Lý và Giáo Dục Pháp Luật

Website đã đăng: http://vientamlygiaoduc.com/giao-duc-ky-nang/item/514-day-con-dung-tien.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét